Cuộc sống khởi nghiệp vốn dĩ đã khó khăn, nhưng trong thời gian qua, sự khó khăn ấy càng tăng lên gấp bội khi sự lây lan khủng khiếp của dịch COVID-19.
Cuộc sống khởi nghiệp vốn dĩ đã khó khăn, nhưng trong thời gian qua, sự khó khăn ấy càng tăng lên gấp bội. Virus corona như một chiếc búa khổng lồ giáng xuống nền kinh tế toàn cầu và là chủ đề duy nhất luôn xuất hiện trên các báo thời gian này.
Trong bức thư có tiêu đề “Coronavirus: The Black Swan of 2020″,” (tạm dịch: “Virus Corona: Con thiên nga đen của năm 2020”), quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia gửi đến các nhà sáng lập Startup 5 chiến lược, giải pháp tích cực mà các CEO nên áp dụng ngay để đối mặt với những khủng hoảng tiềm tàng bởi sự lây lan khủng khiếp của virus Covid-19
Chấp nhận vấn đề, không có thời gian để từ chối
Khi có một vấn đề xảy ra, luôn có một số doanh nghiệp chấp nhận và tự khắc phục những khó khăn. Trong suốt 3 ngày qua, những nhà sáng lập Startup mà tôi tiếp xúc đã thay đổi rất nhiều về mức độ chấp nhận rủi ro của họ trước tình hình ngày càng phức tạp của dịch bệnh. Một số người ban đầu cảm thấy tự tin rằng doanh nghiệp của họ sẽ sớm vượt qua cuộc khủng hoảng và dần hồi phục, tăng trưởng trở lại. Một số khác lại bắt đầu nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực tức thời với doanh nghiệp của mình và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Mặc dù sự thật là một số doanh nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng hơn những doanh nghiệp khác, nhưng không một ai có thể đững vững và thu lợi nhuận từ đại dịch này. Vì vậy, các lãnh đạo startup càng sớm chấp nhận sự thật và thu hẹp phạm vi hoạt động, doanh nghiệp của họ sẽ phải chịu ít tổn thất hơn.
Đánh giá lại doanh nghiệp
Phần lớn các công ty khởi nghiệp đều có xu hướng đánh giá và kỳ vọng quá cao vào những kế hoạch mà họ sẽ hoàn thành trong năm tới mà bỏ qua số tiền mà họ phải bỏ ra cũng như những yếu tố rủi ro. Tình hình hiện nay cũng vậy, một số doanh nghiệp đã định mức tăng trưởng quá cao trong khi đánh giá thấp những tác động ảnh hưởng của dịch bệnh. Kế hoạch này cần được điều chỉnh lại cho phù hợp, thậm chí tăng mức độ rủi ro gấp 2 lần so với bình thường. Hãy nhớ rằng, những rủi ro của việc thiếu kế hoạch chuẩn bị khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại, thậm chí vượt xa bất kỳ nhược điểm nào của sự bội chi.
Hãy dành nhiều thời gian để thảo luận về chiến lược kinh doanh trong thời gian tới. Luôn đặt ra những câu hỏi về kế hoạch kinh doanh trong tương lai như: Với số tiền hiện có, công ty có thể tự duy trì hoạt động trong bao lâu? Bạn có thể chấp nhận một vài quý kinh doanh không tốt nếu nền kinh tế không sáng sửa? Bạn đã có kế hoạch dự phòng chưa? Bạn có thể cắt giảm những chi phí nào mà không gây tổn hại cơ bản đến doanh nghiệp? Những câu hỏi này tại thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết để tránh những hậu quả có thể gây đau đớn trong tương lai.
Là một người lãnh đạo sáng suốt
Winston Churchill đã từng nói: “Không phải việc gì cũng đúng đắn bởi vì chúng khó khăn, nhưng nếu chúng đúng đắn, người ta không được buồn bực bởi vì chúng cũng khó.”
Trong những lúc khó khăn, đối mặt với các cuộc khủng hoảng, người lãnh đạo cần bộc lộ những khả năng và khí phách thực sự của mình. Công ty có thể tồn tại lâu dài hay không phụ thuộc rất lớn vào cách các lãnh đạo của họ phản ứng với những thời điểm khó khăn như thế này. Nhân viên đều nhận thức được về Covid-19 và đều đang băn khoăn bạn sẽ phản ứng như thế nào và điều đó có ý nghĩa gì với họ.
Sự lạc quan sai lầm có thể dễ dàng khiến bạn lạc lối và ngăn bạn thực hiện các kế hoạch dự phòng hoặc có những hành động táo bạo. Tránh cái bẫy này bằng cách nhìn thẳng vào thực tế và hành động quyết đoán khi hoàn cảnh thay đổi. Hãy thể hiện khả năng lãnh đạo mà công ty bạn cần trong quãng thời căng thẳng này. Hãy để nhân viên làm việc tại nhà, bởi trên hết, lúc này cần đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người. Và nếu có thể, hãy đảm bảo một mức lương phù hợp cho nhân viên khi họ làm việc tại nhà cũng như một phần hỗ trợ cho các nhà thầu
Thể hiện sự hiểu biết và đồng cảm
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cả nhân viên, khách hàng, đối tác và nhà cung cấp đều cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Vì vậy, hãy thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu doanh nghiệp với những nhân viên, đối tác của mình qua các cuộc điện thoại, tin nhắn hay email.
Có thể nhiều công ty khởi nghiệp không thể trụ vững trong cuộc suy thoái kinh tế này và nhiều gia đình trên khắp thế giới sẽ phải đối mặt với áp lực kinh tế chưa từng có trong lịch sử. Nhưng với vai trò là người đứng đầu công ty, hãy thể hiện sự quan tâm và đồng cảm của mình với họ, mặc dù bản thân cũng đang phải chịu nhiều áp lực của việc kinh doanh. Chính những lời thăm hỏi, động viên lúc này sẽ là động lực để họ vượt qua khó khăn phía trước.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần tính đến việc cắt giảm ngân sách truyền thông quảng cáo không cần thiết cũng như nhân sự trong thời điểm này. Với doanh số giảm, bạn có thể sẽ thấy những giá trị vòng đời của khách hàng đang giảm, bạn phải tối ưu chi phí để có khách hàng để duy trì đều đặn lợi nhuận trên vốn bỏ ra ở chi phí tiếp thị. Với sự không chắc chắn của nền kinh tế và việc gọi vốn ngày càng lớn, bạn phải tính toán việc thu hồi vốn đầu tư (ROI) cho chi phí tiếp thị.
Ngoài ra, với những khó khăn về mặt tài chính của bạn, đây có thể là thời điểm để đánh giá nghiêm túc xem nhân sự công ty bạn có thể làm nhiều hơn với số lượng ít hơn và tăng năng suất của họ lên hay không. Nếu phải áp dụng cách này, hãy đưa ra những chính sách thôi việc hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể tìm được một công việc thay thế tốt hơn.
Đừng chỉ dừng lại ở việc tồn tại, hãy làm cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ
Thời gian tới sẽ thực sự khó khăn với tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng chờ đợi những đổi mới và sáng tạo của chính doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Tự động hóa quy trình làm việc sẽ chiếm ưu thế trong các công ty sản xuất. Giai đoạn này cũng sẽ thiết lập một “chương trình bình thường mới” với rất nhiều sản phẩm và dịch vụ có nhãn hiệu mới, mở đường cho sự tăng trưởng phi tuyến tính và mở rộng thị trường mới.
Nhiều công ty lớn đã nổi lên từ suy thoái và phát triển hơn bao giờ hết. Ví dụ, năm 1665, Đại học Cambridge đóng cửa vì Bệnh dịch hạch và sinh viên Isaac Newton bị buộc phải làm việc ở nhà trong hơn một năm. Ông đã sử dụng thời gian đó để giải quyết các vấn đề toán học và chính thời điểm này, khi ngồi dưới một cây táo, ông đã phát triển các lý thuyết về quang học, trọng lực và chuyển động.
Vì vậy, hãy tự tin và lạc quan rằng công ty của bạn cũng sẽ sớm vượt qua khủng hoảng, đạt được sự tăng trưởng mong muốn trong thời gian tới.
Theo doanhnhan